Singapore lướt qua khung cửa (Phần 1)
23 Tháng Ba, 2013
Chuyện người Việt mưu sinh tại Singapore
13 Tháng Bảy, 2013

“Còn chút gì để nhớ”

“… Khi đạp xe đi, bỗng dưng tôi bâng khuâng tự hỏi, rằng không biết trong vô vàn những kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ có còn một chút gì để nhớ hay không.”
Hết
Thành Phố Hồ Chí Minh 1988
Nguyễn Nhật Ánh

——————————

Con chut gi de nho

Có lẽ nhiều người nhận ra đây là phần trích từ tác phẩm “Còn chút gì để nhớ” của Nguyễn Nhật Ánh.
Đây cũng là tập truyện tôi rất thích của ông, cùng “Cô gái đến từ hôm qua”.

Và từ nhiều năm trước, khi gấp lại trang cuối của cuốn sách, tôi đã tự hỏi có bao nhiêu chút thật trong câu chuyện này, và bao nhiêu phần là truyện đời tác giả?

Hôm nay đọc đến các trang 101, 102, 103 của cuốn “Bên Thắng Cuộc” (Huy Đức, 2013) thì tôi đã rõ. Xin trích phần về Nguyễn Nhật Ánh ra đây như một sự chia sẻ với những người cũng yêu quý tác phẩm và tác giả này.

Cho đến bây giờ, tôi cho rằng mình và nhiều bạn may mắn có cơ hội để đọc và đã cảm những tác phẩm thực sự tuổi trẻ ấy. Và cho đến giờ, tôi luôn nhớ rất rõ từng người cũng thích đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh mà tôi biết.

———-Trích và ghép phần Nguyễn Nhật Ánh từ “Bên thắng cuộc”——–

Nguyễn Nhật Ánh cũng đã chọn thanh niên xung phong như là một con đường để giải tỏa áp lực nặng nề của lý lịch. Sau ngày 30-4-1975, ông hàng xóm làm thợ mộc ở phường Nhật Tảo, Quận 10, bố của ba cô con gái khá xinh mà sinh viên Nguyễn Nhật Ánh dạy kèm, bỗng nhiên trở thành chủ tịch khóm, về sau là chủ tịch phường.

Nguyễn Nhật Ánh, khi ấy vừa học xong chương trình đệ nhất cấp ở Đại học Sư phạm, được ông thợ mộc đưa lên phường lo việc giấy tờ. Theo “tinh thần Chỉ thị 222”, năm 1976, anh được phép tốt nghiệp sau khi học thêm tám tháng “chính trị”. Tuy nhiên, Ánh không được phân công công tác chỉ vì cha anh lúc đó đang phải đi “học tập” do từng là trưởng Ty Thông tin Chiêu hồi Tỉnh Quảng Tín.

Nguyễn Nhật Ánh trở về phường Nhật Tảo khi cô con gái ông chủ tịch đã trở thành bí thư Phường Đoàn. Cô bí thư chiếu cố thầy giáo cũ của mình, mỗi khi có “phong trào” lại gọi Nguyễn Nhật Ánh vác loa đi đọc bản tin hoặc kẻ lên tường những câu khẩu hiệu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đổi lại, anh có thù lao mười ký gạo mỗi tháng.

Nguyễn Nhật Ánh cũng tiếp cận bài diễn văn của ông Võ Văn Kiệt thông qua những lần đi vận động thanh niên xung phong. Anh kể: “Khi mọi người đi hết, tôi chợt nhận ra, không lẽ mình cứ ăn bám bà dì hoài, năm 1977, tôi cũng lên đường”.

Năm 1977, Nguyễn Nhật Ánh đang tham gia đào kênh Ba Gia ở Hố Bò, Phú Hòa. Lúc này anh đã có nhiều tác phẩm đăng trên tờ Tuổi Trẻ, nhưng với lý lịch cha là trưởng ty “chiêu hồi”, anh vẫn không được kết nạp Đoàn. Khi ấy, thanh niên xung phong ở trong những lán tranh, vách nứa, một bên là nơi ngủ của nam, một bên là nữ; phần giữa lán kê những bộ bàn ghế tạm do chính họ làm.

Một buổi tối, chi đoàn nhóm họp nơi khoảng giữa lán có kê bàn ghế đó. Đang họp, một người trong Ban Chính trị Liên đội phát hiện ra Nguyễn Nhật Ánh đang nằm chèo queo trên giường, lập tức “phần tử chậm tiến” Nguyễn Nhật Ánh bị đuổi ra ngoài. Hôm ấy mưa, trời tối như bưng, Nguyễn Nhật Ánh phải đi ra, lang thang giữa rẫy khoai mì, mặt ướt đẫm vì nước mưa và nước mắt. Anh nhớ lại: “Tôi có cảm giác như bị đẩy ra khỏi đồng loại”. Nhưng cho dù cảm giác về thời đại mới ra sao thì Nguyễn Nhật Ánh cũng không có lựa chọn nào khác là phải “quay vào” , phải chứng tỏ mình là một thanh niên tiên tiến.

Ngày 26-3-1978, mười hai giờ đêm, ông Võ Văn Kiệt lên, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Ngọc Châu và nhiều thanh niên khác được gọi dậy: bên ngoài, đuốc được đốt lên và nhiều thanh niên của chế độ cũ, trong đó có Trần Ngọc Châu, từ đêm ấy, “vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đoàn” . Theo ông Trần Ngọc Châu: “Ông Võ Văn Kiệt đến, mặc bộ đồ thanh niên xung phong, đầu đội nón tai bèo, đứng lên đánh trống. Hình ảnh một ông Kiệt sừng sững đã đọng lại trong ký ức của lực lượng thanh niên xung phong”.

Ông Châu nói: “Khi ấy, vào Đoàn là thiêng liêng lắm”. Đoàn thiêng liêng lắm, nhưng “ánh đuốc” trong đêm ấy không thể rọi sáng đến tất cả mọi người. Cũng như Trần Ngọc Châu, Nguyễn Nhật Ánh đã dùng cuốc chim, cuốc đá ong đào kênh cho đến khi hai tay tóe máu mà vẫn không được vào Đoàn chỉ vì cha là “Ngụy”.

“Cánh cửa thanh niên xung phong” mà ông Kiệt thiết lập vẫn không đủ rộng cho các thanh niên miền Nam bước vào chế độ mới.

Năm 1982, Đảng ủy Thanh niên Xung phong lại ngăn cản cuộc hôn nhân của Nguyễn Nhật Ánh với Trần Thị Tiếng Thu. Tiếng Thu lúc ấy đang là phó Phòng Chính trị Lực lượng Thanh niên xung phong. Bốn ngày sau khi hội nghị chi bộ Cơ quan Lực lượng “biểu quyết khai trừ ra khỏi Đảng” , “cô dâu” Trần Thị Tiếng Thu đã viết đơn gửi Ban Tổ chức Thành ủy. Đơn của Tiếng Thu khai: “Vào khoảng giữa năm 1981, tôi và đồng chí Nguyễn Nhật Ánh đặt vấn đề tìm hiểu nhau để đi đến hôn nhân. Sau đó đã chính thức báo cáo với Đảng ủy và chi bộ cơ quan (đồng chí Nhật Ánh là thanh niên xung phong hiện công tác tại Phòng Chính trị)”.

Đơn của Tiếng Thu cho biết: “Trong nửa năm qua, Đảng ủy và chi bộ đã nhiều lần thuyết phục tôi cắt đứt mối quan hệ này. Đồng chí bí thư Đảng ủy, hầu hết các đồng chí trong Đảng ủy đã lần lượt gặp tôi. Sau đó, trong phiên họp chi bộ thường kỳ vào tháng 2-1982, chi ủy đã mang vấn đề của tôi ra kiểm điểm, nội dung: đồng chí Nguyễn Nhật Ánh tuy là một đồng chí tốt, nhưng đồng chí có người cha trước đây làm việc cho chế độ cũ với mức độ như thế thì đứng về mặt lập trường giai cấp, một đảng viên không thể chung sống với một gia đình như vậy… Đồng thời, chi bộ cũng kiểm điểm tôi về việc trước khi tìm hiểu đồng chí Nguyễn Nhật Ánh, tôi đã không xin ý kiến trước, để bây giờ đặt tổ chức vào một việc đã rồi”.

Quyết tâm của đôi lứa yêu nhau đã không dễ dàng để thành hiện thực. Cho dù là công dân, hai người có quyền đăng ký kết hôn, nhưng vì Trần Thị Tiếng Thu đang là người của lực lượng Thanh niên Xung phong, chính quyền địa phương chỉ cho phép đăng ký khi có xác nhận của lực lượng nơi chị đang đăng ký hộ khẩu tập thể. Trong khi đó, Phòng Tổ chức Lực lượng không chịu xác nhận thường trú một khi không có chấp thuận của Đảng ủy.

Tháng 10-1983, Trần Thị Tiếng Thu đành phải thực hiện quyền công dân của mình bằng cách: chị viết một lá đơn xin “xác nhận hộ khẩu” để “bổ túc hồ sơ xin đăng ký xe”. Phòng Tổ Chức đã xác nhận cho chị. Nhưng, chữ “xe” đã được hai người yêu nhau âm mưu viết sao để sau khi ký về sửa thành chữ “kết” và “bổ túc” thêm chữ “hôn”, đăng ký xe thành “đăng ký kết hôn”. Sau đám cưới, ngày 30-5-1984, Trần Thị Tiếng Thu đã nhận được quyết định kỷ luật “cảnh cáo”. Căn cứ để Phó Bí thư Thành ủy Phan Minh Tánh ký quyết định này là: “Xét thấy Đồng chí Thu còn non kém về quan điểm lập trường và thiếu ý thức tổ chức kỷ luật trong việc xây dựng gia đình”.

(*) Trích từ “Bên Thắng Cuộc”, phần nói về sự phân biệt đối xử đối với Thanh niên sau 30/4 và chính sách đưa thanh niên đi lao động cũng như điều kiện sống của thanh niên (Sài Gòn) xung phong

Anh Đỗ
27.06.2013

BÌNH LUẬN FACEBOOK