“Hồn tử sĩ” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một ca khúc đặc biệt. Có lẽ nó là tác phẩm duy nhất được chính quyền cả hai miền Bắc – Nam Việt Nam sử dụng như một bài nhạc lễ. Miền Bắc Việt Nam sử dụng “Hồn tử sĩ” trong các lễ tang cấp Nhà nước. Miền Nam Việt Nam sử dụng tác phẩm để tiễn đưa hương hồn một chiến sĩ quân lực. Sau chiến tranh, nước Việt Nam thống nhất tiếp tục sử dụng tác phẩm này trong các lễ tang chính thức. Cộng đồng người Việt hải ngoại cũng sử dụng ca khúc cho các dịp lễ chiêu hồn chiến sĩ miền Nam.
Tác giả của tác phẩm là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước cũng là một nhạc sĩ đặc biệt. Ông là tác giả của “Tiếng gọi Công dân” (tên khác là “Tiếng gọi Thanh niên”), là quốc ca của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từ thưở lập quốc đến khi sụp đổ. Với một bút danh khác là Huỳnh Mình Siêng, ông cùng Huỳnh Minh Tiểng và Mai Văn Bộ viết ca khúc “Giải phóng Miền Nam”, tạm coi là quốc ca của chính quyền cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Giữa chiến tuyến, người ta có thể nghe thấy hai bản quốc ca do cùng một nhạc sĩ sáng tác và một bản chiêu hồn cùng được hai phe sử dụng.
Có rất nhiều điểm khác nhau trong 30 năm cuộc chiến và hai chính quyền đã đẩy sự khác nhau lên đến đỉnh điểm bằng súng đạn. Nhưng có một điều mà dù phân chia chiến tuyến, chiến sĩ hai bên cũng đều giống nhau, ngoài các ca khúc kể trên, đó là họ đều là người Việt Nam. Khi “hồn tử sĩ” cất lên, và đặc biệt là trong những ngày như ngày 27/07 hàng năm, thì điều ta nên quan tâm chắc không phải là sắc phục hay màu cờ được phủ lên thi hài của chiến sĩ, hay quan điểm chính trị trong đầu vong nhân, mà là màu da của người đó.
Hiểu được điều đó để lịch sử, dù vẻ vang hay đau đớn cho phe nào, cũng đừng lặp lại nữa.